Hiểu hơn về con đường mang theo nhiều điều vĩ đại và chứa đầy sự thú vị mà con người thời xưa đã tạo ra…Con đường tơ lụa (The Silk Road) là một tuyến đường thông thương quan trọng của nhân loại trong suốt một thời gian dài lịch sử. Nhờ có con đường tơ lụa, những vùng đất, nền văn hóa mới được tìm ra và là động lực cho sự phát triển của cả châu Á, châu Âu trên nhiều lĩnh vực.
Từ một con đường vĩ đại…
Con đường tơ lụa bắt đầu được hình thành từ thế kỷ thứ 2TCN, khi ấy Trương Kiên – một triều thần của Hán Vũ Đế đã nhận lệnh đi về phía Tây để liên minh với những quốc gia và dân tộc mới.
Con đường tơ lụa trải dài từ Á qua Âu được mô phỏng thời xưa
Trong lịch sử, người Trung Hoa mang vải lụa, gấm vóc… đến Ba Tư và La Mã đồng thời những doanh nhân các vùng khác cũng tìm đường đến với Trung Hoa.
Từ đây, con đường tơ lụa phát triển với tốc độ chóng mặt, bắt nguồn từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh của Trung Quốc qua Mông Cổ, Ấn Độ, Kazkhstan, Thổ Nhĩ Kì, Hy Lạp…
Từ thế kỷ thứ VII, con đường tơ lụa trên biển ra đời bởi các thương gia Ả Rập. Sau đó, các quốc gia như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan lần lượt kéo đến Trung Quốc buôn bán qua đường biển với tốc độ nhanh, an toàn hơn.
… những món hàng giá trị và kỳ lạ…
Tuy nhiên, tơ lụa thời đó chỉ dành riêng cho vua chúa và hàng quý tộc ở Trung Quốc. Kể từ khi có con đường tơ lụa, các thương gia Trung Quốc quyết định đem sản phẩm này tới phương Tây.
Lụa một thời được coi là tiền tệ trên con đường này
Nhận thấy lợi nhuận khổng lồ từ thị trường mới, các thương gia Trung Quốc tăng cường vận chuyển hàng hóa tới La Mã, Ai Cập. Đồng thời, người dân phương Tây cũng lên đường tới Trung Quốc để buôn bán và truyền bá tôn giáo.
Nô lệ cũng là một món hàng phổ biến trên con đường tơ lụa
Không chỉ các loài động vật, nô lệ cũng bị buôn bán dọc theo con đường tơ lụa. Họ hầu hết là những người dân thường vô tội bị bắt trong các cuộc chiến tranh, tội phạm hay nợ một món tiền lớn mà không thể trả.
… đến động lực phát triển các nền văn minh nhân loại
Không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thương, con đường tơ lụa còn tạo nên động lực để thúc đẩy khoa học phát triển trong thời kỳ này. Những cuộc buôn bán, thám hiểm giúp con người có cái nhìn mới về tự nhiên, địa lý, chính trị.
Thông qua con đường này, văn hóa các nước cùng nhiều tôn giáo được giao thoa khắp nơi. Ở các thành phố lớn trên con đường tơ lụa như Samarkand, ngoài kinh tế thì tôn giáo cũng là vấn đề rất đáng tự hào.
Rất nhiều nhà thờ, giáo đường Kitô giáo, Do Thái giáo, hay chùa chiền đều được dựng lên ở khắp nơi. Mọi tôn giáo đều được chấp nhận và tôn trọng trên con đường tơ lụa. Chính quan điểm thể hiện sự tiến bộ, tạo tiền đề cho các nền văn minh phát triển.
Con đường tơ lụa cũng là nơi để nhiều nhà thám hiểu viết nên tên tuổi của mình, điển hình nhất là Marco Polo (1254 – 1324). Ông là một người Ý, sống vào thế kỷ XIV và đã sử dụng con đường tơ lụa để khám phá nhiều vùng đất mới ở Trung Quốc. Marco thậm chí còn được vua Hốt Tất Liệt phong một chức quan. Khi trở về lại châu Âu, ông đem theo nhiều kiến thức cùng sản vật Trung Hoa.
Chân dung nhà thám hiểm Marco Polo
Sự suy tàn của con đường vĩ đại
Các cuộc chiến tranh liên miên cùng nạn đạo tặc, cướp phá khiến cho những đoàn người buôn bán luôn gặp nguy hiểm, con đường tơ lụa vĩ đại dần suy thoái.
Tuy nhiên sau khi đế quốc Nguyên Mông mở rộng bờ cõi ra khắp châu Á và châu Âu, công việc buôn bán nơi đây thịnh vượng trở lại. Nhưng chính con đường này vô tình lại phát tán dịch bệnh “Cái chết đen” ra khắp châu Âu và Trung Á trong năm 1348 – 1350. Căn bệnh này giết hại gần 60% dân số của châu Âu và tác động không nhỏ tới hoạt động của con đường tơ lụa.
Thành phố cổ heo hút người Samarkand
Sự phát triển của đế chế Ottoman khiến cho tuyến đường nối phương Tây và phương Đông bị chặn đứng. Con đường tơ lụa từ đây chìm vào dĩ vãng và những hào quang của nó cũng tiêu tan để lại nhiều thành phố cổ heo hút.
Theo Trí Thức Trẻ