Hai bức tượng đá đồ sộ thu hút rất đông khách du lịch tới tham quan vì chế tác tuyệt đẹp và không ngừng phát ra những âm thanh kỳ lạ.
Hai bức tượng khổng lồ “biết hát” ở Ai Cập.
Cặp tượng đá khổng lồ của Memnon hay còn gọi là El-Colossat và Es-Salamat là tuyệt tác có nguồn gốc từ thời Pharaoh Amenhotep III, người đã trị vì Ai Cập cổ đại hơn 3000 năm trước.
Nguyên liệu để làm bức tượng cũng rất quý giá đó là các khối đá thạch anh, được khai thác và vận chuyển từ nơi cách vị trí hiện tại tới 675 km.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt hơn cả ở cặp đôi tượng thần Memnon đó chính là âm thanh kỳ lạ phát ra từ bức tượng giống như tiếng hát.
Thú vị là những bức tượng cổ đại này nằm ở bờ phía tây sông Nile suốt 3400 năm qua, kể từ năm 1350 trước Công nguyên.
Tượng có niên đại hơn 3000 năm tuổi, cao khoảng 18 mét, đứng canh gác cổng ngôi đền cổ thờ Pharaoh Amenhotep III, một trong những trung tâm tôn giáo lớn được xây dựng và tôn thờ trong suốt thời kỳ vị Pharaoh này trị vì đất nước.
Đối với người Ai Cập cổ đại, Pharaoh là người nắm giữ quyền lực tối cao và được tôn lên đỉnh của thần quyền, quyền lực không những hiện hữu ở đời sống thực tại mà còn chiếm giữ cả trong đời sống tâm linh.
Bí ẩn nguồn gốc “tiếng hát” từ tượng cổ
Vào năm 27 trước Công nguyên, một trận động đất dữ dội xảy ra, đã làm đổ pho tượng ở phía bắc, khiến nó bị sụp từ phần thắt lưng trở xuống, nứt nửa thân dưới.
Từ đó về sau, phía dưới bức tượng bỗng phát ra âm thanh kỳ lạ như “tiếng hát” vào mỗi buổi sáng sớm lúc Mặt Trời bắt đầu ló rạng. Đây là một thực tế kỳ lạ lần đầu tiên được nhà sử học Strabo và nhà địa lý học Pausanias ghi lại.
Theo sử sách cổ ghi lại, âm thanh ở pho tượng phát ra như tiếng gió. Trong khi đó, nhà địa lý học Pausanias lại ví với loại âm thanh đặc biệt trên với “chuỗi âm thanh của cây đàn lia”. Một số khác lại cho rằng, nó giống như tiếng huýt sáo.
Nhà sử học Strabo cho biết, ông là người may mắn được chứng kiến hiện tượng này trong chuyến thăm Ai Cập vào năm 20 sau Công nguyên.
Tương truyền, âm thanh của bức tượng rất kỳ quái và cuốn hút đến nỗi một số vị hoàng đế La Mã còn muốn tận mắt tới Ai Cập để chiêm ngưỡng và lắng nghe “tiếng hát”.
Hiện tượng tượng “hát” hình như chỉ còn tồn tại đến năm 196. Sau quá trình trùng tu cặp tượng cổ diễn ra vào khoảng năm 199 do người dân La Mã thực hiện thì âm thanh kỳ lạ từ bức tượng đã biến mất.
Hoàng đế Septimius Severus, người trị vì La Mã (193-211), đã đến thăm cặp tượng Memnon khổng lồ nhưng không nghe thấy bất cứ âm thanh gì. Tại sao âm thanh kỳ lạ ở bức tượng lại mất đi khi quá trình La Mã xây dựng lại diễn ra?
Các chuyên gia cho rằng, nếu âm thanh phát ra là một hiện tượng tự nhiên thì có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như việc gia tăng nhiệt độ khiến sương từ pho tượng tương tác với các vết nứt.
Trong suốt thế kỷ XVIII và XIX, có một số du khách tuyên bố rằng họ đã nghe thấy thứ âm thanh thất truyền hơn nghìn năm từ pho tượng cổ ở Ai Cập, tuy nhiên không có báo cáo nào thuyết phục.
Cặp tượng đá Memnon là một trong những công trình thu hút rất đông khách du lịch tới tham quan.
Nhiều người lầm tưởng Memnon là tên của một vị thần ở Ai Cập. Tuy nhiên, Memnon lại chính là tên vị vua của Ethiopia, người đứng đầu quân đội bảo vệ thành Troy, nhưng cuối cùng ông lại tử trận dưới tay Achilles.
Câu chuyện truyền kỳ có liên quan đến truyền thuyết cho rằng Memnon là con trai của nữ thần bình minh Ecos. Sau khi Memnon qua đời, nữ thần thương nhớ con trai và rơi nước mắt vào buổi sáng.
Chính vì sự trùng hợp này, mà không ít người cho rằng âm thanh phát ra từ pho tượng chính là tiếng khóc của vua Memnon hay nữ thần Ecos.
Do đó, có nhiều người nhầm cặp tượng đá cổ trên là của vua Memnon chứ không phái một vị Pharaoh Ai Cập nào đó.