Bằng cách #DeleteUber, xóa bỏ ứng dụng Uber trên điện thoại của mình, hàng loạt người tiêu dùng tại Mỹ đã khẳng định cho hãng này biết rằng ai mới thực sự nắm giữ quyền lực. Hãy cùng Hate Change học hỏi một chiến dịch tự phát đã khởi đầu, lan tỏa và tạo ra ảnh hưởng như thế nào các bạn nhé.
#DeleteUber thực chất bắt đầu từ một chiến dịch có kế hoạch của nghiệp đoàn mà trong đó thành viên hầu hết là người nhập cư trên toàn thế giới, Liên minh Taxi của thành phố New York (New York Taxi Workers Alliance -NYTWA). Ngày 28/1, NYTWA tuyên bố đình công, tạm ngưng dịch vụ đến sân bay quốc tế John F. Kennedy trong vòng một giờ nhằm phản ứng lại lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Donald Trump. Trong thông báo chính thức của mình về cuộc đình công này, NYTWA nói rằng: “Với tư cách tổ chức mà thành viên phần lớn là người Hồi lớn và gần như toàn bộ lực lượng lao động là người nhập cư trên toàn thế giới, cũng như tư cách phong trào của tầng lớp lao động bắt nguồn từ việc bảo vệ những người bị áp bức, chúng tôi nói không với lệnh cấm vô nhân đạo và vi hiến này”.
Trong khi đó, Uber dường như muốn khiêu khích lại lời kêu gọi trên, ngay lập tức ra tuyên bố sẽ tiếp tục gửi xe tới sân bay và cam kết không tăng giá để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân. Mặc dù về mặt chính sách, giá xe Uber đến sân bay phải tăng vọt theo nhu cầu của người dùng, nhưng Uber đã phá vỡ quy luật đó với lời thông báo trên Twitter rằng họ sẽ dừng việc tăng giá, giữ nguyên giá cả ở mức ổn định.
Đã nhiều lần Uber bị cáo buộc rằng hãng “chuyên” làm giá trong các trường hợp khách hàng cần mình nhất như trong bão tuyết hoặc dịp năm mới, hoặc nơi có nhu cầu cao và không có nhiều lựa chọn. Nói cách khác, đáng nhẽ Uber sẽ làm theo cách tương tự để tăng giá, nhưng lần này họ đã làm ngược lại.
Những người phản đối tổng thống Trump cho rằng phản ứng của Uber trong việc ngừng tăng giá được xem là động thái nhằm vô hiệu hóa cuộc đình công của Liên minh Taxi, đồng thời lợi dụng tình hình để quảng bá thương hiệu.
Ngay lập tức, hashtag #DeleteUber xuất hiện và trở thành xu hướng (trending) trên mạng xã hội Twitter. Chiến dịch được kích hoạt bởi tài khoản @Bro_Pair. Một vài nhân vật nổi tiếng của Hollywood đã hưởng ứng và truyền bá hashtag, nhờ vậy chiến dịch lan tỏa một cách “chóng mặt”. Hashtag #DeleteUber đã lên vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng trending Twitter tại Hoa Kỳ vào đêm thứ bảy (ngày 28/01/2017). Tính đến ngày 30/1/2017, hơn 300.000 tweet chứa hashtag trên đã được gửi đi.
Để hưởng ứng, nhiều nhà hoạt động xã hội nhanh chóng tuyên bố tẩy chay Uber do hãng này giúp Trump “phá thế” cuộc đình công. Nhiều người còn nhấn mạnh rằng Giám đốc điều hành của Uber là Travis Kalanick hiện là một nhân vật trong Hội đồng Cố vấn kinh tế của ông Trump.
Ngay sau đó, những người tham gia đã chia sẻ ảnh chụp màn hình của họ thể hiện việc loại bỏ ứng dụng Uber từ điện thoại và gửi phản hồi tiêu cực gửi đến công ty.
Các công đoàn Taxi truyền thống đã không xác nhận một cách rõ ràng hashtag #DeleteUber có phải xuất phát từ họ hay không, nhưng trong một cuộc phỏng vấn ông Bhairavi Desai, giám đốc điều hành của Liên minh Taxi của thành phố New York, nói rằng: “Việc Uber đặt lòng tham lên trên nguyên tắc xã hội không hề gây sốc”. Liên minh Taxi cũng viết trên Twitter của họ rằng: “Chúng tôi không thể im lặng. Chúng tôi làm điều này là để chào đón mọi người đến với đất nước đã từng chào đón chúng tôi.”.
Về phía Uber, họ khẳng định rằng công ty không cố gắng để phá vỡ các cuộc đình công. Dù vậy nó không thể ngăn chặn được làn sóng tẩy chay đang lan rộng.
Uber cũng không phải là công ty duy nhất bị ảnh hưởng bởi các xung đột chính trị. Sau khi Starbucks hứa sẽ thuê 10.000 người tị nạn nhằm phản ứng lại kế hoạch của Trump, hashtag #BoycottStarbucks, được thúc đẩy bởi hàng ngàn tin nhắn chủ yếu từ những người ủng hộ Trump, cũng trở thành trending hàng đầu trên Twitter
Trong khi đó, đối thủ của Uber là Lyft đã tặng một triệu USD cho ACLU (Liên đoàn tự do dân sự Mỹ), nhóm đang khởi kiện quyết định cấm người nhập cư của ông Trump. Nhiều người do vẫn có nhu cầu đi lại nên họ xóa Uber và cài đặt Lyft. Hiện này, ứng dụng Lyft đã tăng vọt trong App Store từ #39 lên #4, trên Uber #9 bậc nhờ vào chiến dịch #DeleteUber diễn ra thông qua phương tiện truyền thông xã hội vào cuối tuần qua.
Nguồn ảnh: Techcrunch.com
Phương pháp: Tẩy chay là phương pháp chấm dứt các quan hệ thương mại hoặc xã hội đối với một đất nước, tổ chức hay cá nhân nhằm trừng phạt hoặc kháng nghị về một vấn đề gì đó.
Hiệu quả: Tẩy chay luôn được đánh giá là một trong những phương pháp ôn hòa có sức mạnh nhất bởi lẽ nó tạo ra những thiệt hại thực sự về mặt kinh tế hay xã hội cho đối phương, hơn nữa nó rất dễ dàng thu hút người tham gia. Những người tham gia chỉ cần nhận được lời kêu gọi và hưởng ứng bằng cách ngừng hay thay đổi một hành vi mà không cần nhiều nỗ lực và chịu sự nguy hiểm.
Nguồn: HateChange